Mô tả Cát cánh
Cây thảo sống lâu năm, thân cao 0,60 – 0,90 m. Rễ củ nạc, màu vàng nhạt. Lá gần như không có cuống. Lá phía dưới hoặc mọc đối hoặc mọc vòng 3 – 4 lá. Phiến lá hình trứng, mép có răng cưa to. Lá phía trên nhỏ, có khi mọc cách. Hoa mọc đơn độc hay mọc thành bông thưa. Dài màu lục, hình chuông rộng, mép có 5 thùy. Tràng hình chuông màu xanh tím hay trắng. Quả hình trứng ngược. Có hoa từ tháng 5 – 8. Quả tháng 7 – 9.
Rễ Cát cánh khô hình gần như hình thoi, hơi cong, dài khoảng 6 – 19cm, đầu trên thô khoảng 12 – 22mm, bên ngoài gần như màu trắng, hoặc màu vàng nhạt, có vết nhăn dọc sâu cong thắt, phần lồi ra hơi bóng mượt, phần trên hơi phình to, đầu trước cuống nhỏ dài, dài hơn 32mm, có đốt và vết mầm không hoàn chỉnh, thùy phân nhánh ở định, có vết thân, dễ bẻ gãy, mặt cắt gần màu trắng hoặc màu vàng trắng. Từ Giữa tâm có vân phóng xạ tỏa ra (Dược Tài Học)
Phân bố, thu hoạch và chế biến
Phân bố: Cây được di thực vào nước ta. Trồng bằng hạt. Mọc khoẻ. Rễ to. Mọc hoang và được trồng ở Trung Quốc, Liên Xô cũ. Thường hái rễ ở những cây đã sống 4 – 5 năm.
Thu hoạch và chế biến: Hái vào mùa thu, đông hoăc mùa xuân. Mùa thu – đông tốt hơn. Đào lấy rễ, cắt bỏ đầu rễ và rễ con, rửa sạch, để ráo nước hoặc ủ khoảng 12 giờ, thái lát mỏng phơi hay sấy khô.
Bộ phận sử dụng của Cát cánh
Rễ đào vào mùa đông, lúc cây tàn lụi. Ở những cây đã trồng được 2 năm (vùng cao) hoặc một năm (vùng đồng bằng) loại bỏ thân, lá, rễ con, rửa sạch đất cát. Cạo bỏ lớp vỏ ngoài rồi phơi hay sấy khô. Rễ hình trụ có khi phân nhánh dài 5 – 13 cm, đường kính 1 – 2 cm. Mặt ngoài màu trắng ngà có những nếp nhăn dọc, có vết sẹo của rễ con, vị đắng. Rễ Cát cánh dễ bị mốc mọt, cần bảo quản nơi khô ráo.
Thành phần hóa học
Trong rễ cát cánh có khoảng 2% kikyosaponin C29H48O11 là một chất saponin vô định hình. Kikyosaponin thêm axit và đun sôi sẽ cho kikyosapogenIn C23H38O5 và một phân tửgalactose. Ngoài ra còn có phytosterola C27H46O và inulin.
Sự nghiên cứu mới đây chứng minh trong lá, hoa, và thân, cành Cát cánh đều có chứa saponin. Saponin này có tác dụng phá huyết mạnh hơn saponin trong rễ, kikyosapogenin có tác dụng phá huyết mạnh gấp 2 lần sapogenin của viễn chí (Polygala senega).
Tác dụng của Cát cánh
Theo y học cổ truyền
Tính vị:
- Vị cay, tính hơi ôn (Bản Kinh).
- Vị đắng, có ít độc (Biệt Lục).
- Vị đắng, tính bình không độc (Dược Tính Bản Thảo).
- Vị đắng cay, tính hơi ấm (Trung Dược Học).
Quy kinh:
- Vào kinh túc Thiếu âm Thận, thủ Thái âm Phế (Thang Dịch Bản Thảo).
- Vào kinh túc Thái âm Tỳ, túc Thiếu âm Thận, túc Dương minh Vị ( Bản Thảo Kinh Sơ).
- Vào kinh Phế (Trung Dược Học).
Công năng, chủ trị:
- Ôn hóa hàn đàm, trừ mủ, lợi hầu họng.
- Chủ trị: Ho đờm nhiều, ngực tức, họng đau, tiếng khàn, áp xe phổi, tiêu mủ, mụn nhọt.